Hiểu đúng bản chất của Obsidian
Nhìn rõ bản chất để có thể làm chủ công cụ ghi chú và quản lý kiến thức một cách hệ thống.
Bạn có bao giờ tự đặt câu hỏi "Obsidian thực sự là gì? ". Đây là một câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể nhìn nhận rõ ràng.
Bài viết này nhằm cung cấp một góc nhìn rõ ràng, hệ thống về 3 lớp bản chất của Obsidian — từ đó giúp bạn:
🔎 So sánh đúng đắn với các công cụ khác
🧠 Hiểu lộ trình học tập và ứng dụng phù hợp
💪 Từng bước chinh phục công cụ mạnh mẽ này một cách tự nhiên và linh hoạt
1. ✍️ Editor – Trình soạn thảo văn bản thú vị
Ở lớp cơ bản nhất, Obsidian là một trình soạn thảo Markdown offline. Nghe có vẻ kỹ thuật nhưng cũng rất quen thuộc bởi giao diện soạn thảo có thể đơn giản và "trống trơn" như Notepad (hay TextEdit có sẵn trên macOS) nhưng có khả năng định dạng văn bản siêu tốc.
Giao diện tối giản, tập trung tuyệt đối vào nội dung, bạn thậm chí chẳng thấy công cụ định dạng văn bản như các ứng dụng văn phòng.
Hỗ trợ Markdown giúp bạn định dạng nhanh mà không cần rời tay khỏi bàn phím
Cá nhân hoá tối đa với phím tắt, mẫu ghi chú, và chế độ Live Preview cực kỳ trực quan.
💡 Điểm khác biệt cốt lõi: Mỗi ghi chú là một file .md
lưu trực tiếp trong máy bạn. Không đi qua máy chủ trung gian nên phản hồi nhanh chóng, không bị khoá định dạng vào sản phẩm thương mại. Điều này đồng nghĩa:
Bạn toàn quyền sở hữu dữ liệu, có thể sao lưu, chia sẻ, hoặc tích hợp vào bất kỳ hệ thống nào
Ảnh và file đính kèm được lưu trữ nguyên bản, giữ nguyên tên, không bị nén – dễ tái sử dụng (mình hay dùng viết bài cho Blog và web hỗ trợ SEO)
Khi di chuyển ghi chú hay file, các liên kết được cập nhật tự động – điều mà hiếm có editor offline tương tự nào khác làm được với trải nghiệm mượt mà như Obsidian.
Nếu bạn quen dùng Visual Studio Code, bạn sẽ thấy Obsidian có sự tương đồng cực kỳ lớn về bố cục, tính năng, nhưng lại mang đến trải nghiệm viết và quản lý ghi chú mượt mà, thân thiện vượt trội hơn rất nhiều. Dưới đây là hình chụp cùng một cấu trúc website của learn-anything.vn cho bài viết Áp dụng quy tắc 3-1-2 để làm chủ chuyên môn với Toolset, Skillset, Mindset khi mình soạn thảo với Visual Studio Code và Obsidian.

Khi viết blog bằng Obsidian, mình rất thích cách công cụ này xử lý ảnh đính kèm. Các hình ảnh sẽ được lưu trực tiếp vào thư mục cố định của website, cụ thể là /static/images/...
. Khi mình copy-paste ảnh từ máy tính, tên file được giữ nguyên giúp hình ảnh được hiển thị chính xsc trên website. Nhờ vậy, việc hiển thị ảnh trong bài viết trở nên thuận tiện và đặc biệt phù hợp cho mục tiêu tối ưu SEO.
So với Visual Studio Code, Obsidian mang lại trải nghiệm mượt mà hơn nhiều. Mình không gặp tình trạng lag hay “quay vòng vòng” như khi VS Code phải liên tục quét lại toàn bộ file trong thư mục. Bên cạnh đó, VS Code cũng không hỗ trợ tốt việc lưu ảnh đính kèm vào một thư mục cố định – điều rất quan trọng với mình khi viết blog.
Tóm lại, khi dùng Obsidian để viết bài cho blog, mình cảm thấy mọi thứ đều trơn tru và hiệu quả – đúng với những gì mình cần.
2. 📁 Organizer – Tổ chức ghi chú
Obsidian không chỉ là nơi bạn “ghi chép”. Nó là không gian để bạn xây dựng hệ thống tri thức cá nhân với tư duy kết nối:
Tổ chức file/folder ngay ở sidebar – linh hoạt, trực quan giống với trải nghiệm của lập trình viên - code một bên, quản lý file một bên.
Sử dụng
[[wikilink]]
để liên kết ghi chú tạo ra mạng lưới tri thức sống động và trực quan.Quản lý metadata với
Properties
, hỗ trợ lọc, truy vấn, và tự động hoá thông minhGraph View trực quan hoá mạng lưới kiến thức – điều bạn khó tìm thấy ở các công cụ phổ biến như Word, Google Docs, vv hay cả Notion
🧠 Đây là lớp mà Obsidian thật sự bắt đầu vượt xa các ứng dụng văn phòng truyền thống. Không còn là nơi ghi chú rời rạc, mà là một hệ thống tổ chức và tự động hoá hoàn hảo, nơi thông tin được kết nối, làm rõ và sẵn sàng phát triển theo thời gian.
3. 🚀 Platform – Một nền tảng không giới hạn, không ép buộc
Obsidian không dừng lại ở vai trò phần mềm ghi chú – nó là một nền tảng mở. Nhờ hệ sinh thái plugin phong phú từ cộng đồng, bạn có thể “hô biến” Obsidian theo đúng cách bạn làm việc:
Quản lý tác vụ như Todoist
Lập kế hoạch và theo dõi dự án như Trello
Xây dựng hệ tri thức như Notion – nhưng hoàn toàn offline, riêng tư, và tuỳ biến không giới hạn
🔁 Bạn có thể:
Dùng Dataview để biến metadata thành truy vấn như một cơ sở dữ liệu mạnh mẽ
Tạo template tự động chèn theo thư mục hay chèn nhanh ở bất kỳ ghi chú nào với Templater
Tích hợp plugin hỗ trợ AI để tóm tắt, phân tích nội dung ghi chú
Tích hợp các plugin hỗ trợ trực quan hoá dữ liệu từ biểu đồ, mindmap, vv
🎯 Lời kết: Học cách dùng Obsidian không phải chỉ là học cách “ghi chú”
Mỗi lớp của Obsidian mở ra một cách tiếp cận khác nhau:
Editor: Tập trung vào khả năng soạn thảo nhanh chóng, không bị phân tâm
Organizer: Tổ chức hệ thống thông minh, kết nối và truy xuất tri thức dễ dàng
Platform: Xây dựng hệ thống làm việc cá nhân hoá, bền vững và mở rộng
👉 Khi bạn hiểu rõ bản chất từng lớp chức năng, bạn sẽ có một cách tiếp cận phù hợp để từng bước làm chủ nó. Bạn không đơn thuần chạy theo các tính năng hào nhoáng, hằng hà sa số plugin xuất hiện mà tập trung vào nội tại nhìn thấu bản chất để tự mình xây dựng hệ thống tri thức và luồng công việc tối ưu năng suất của bạn.
💡 Bạn không chỉ học dùng Obsidian chỉ để ghi chú. Bạn học cách tư duy thông qua ghi chú.
Và bạn sẽ không chỉ làm chủ một công cụ — mà là làm chủ cách bạn tư duy, học hỏi và làm việc.
👉 Bạn có thể tham gia vào nhóm cộng đồng Obsidian FLOW - Dòng chảy tri thức có chủ đích để theo dõi các bài viết chuyên sâu về Obsidian.
🔍 Learn Anything. 🌟 Build Confidently.
Thịnh Vũ @
Cảm ơn bài viết của bạn. Mình cũng rơi vào lưới tình với Obsidian từ những ngày đầu tiên. Để bổ sung cho bản chất của Obsidian, mn cũng có thể đọc thêm các bài viết từ anh Steph Ango, CEO Obsidian nói về triết lý khi xây dựng cũng như cách ảnh dùng công cụ này, mình thấy khá insightful https://stephango.com/file-over-app